Triển khai bảo hiểm thất nghiệp: Vừa làm vừa gỡ

Thảo luận trong 'TIN THỊ TRƯỜNG NGUỒN NHÂN LỰC' bắt đầu bởi juliehemery, 3/2/10.

  1. QUY ĐỊNH DIỄN ĐÀN
    - Đăng bài viết bắt buộc có tiền tố
    - Không đăng bài Quảng Cáo
    - Chỉ được phép đăng bài Tuyển dụng trong lĩnh vực nhân sự, hành chính và liên quan
    - 1 nick chỉ được phép đăng tối đa 2 bài tuyển dụng 1 tuần
    - Bài tuyển dụng bắt buộc phải có thời hạn, và sẽ bị xóa sau khi hết hạn 3 ngày
    ------------------------------
    Liên hệ quản trị diễn đàn: nguyenbaoanh89@gmail.com
    Dismiss Notice
  1. juliehemery

    juliehemery Guest

    TTCT - LTS: Tính đến khi số báo này tới tay bạn đọc, việc chi trả trợ cấp thất nghiệp theo các quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp đã triển khai được một tháng. Chuyên đề TTCT kỳ này dành cho việc nhìn lại việc triển khai đó.


    Hà Nội: người đăng ký thưa thớt


    Tại Hà Nội, mọi công tác chuẩn bị để tiếp nhận và hoàn thiện hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động đã được chuẩn bị chu tất nhưng các điểm đăng ký đều vắng vẻ, người thất nghiệp đến quá thưa thớt.


    Trưa 15-1, chúng tôi đến Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (số 285 Trung Kính), nhân viên phòng BHTN của trung tâm cho hay suốt cả buổi sáng chỉ có một lao động đến đăng ký BHTN. Từ tháng 12-2009 phòng này bố trí năm điểm tiếp nhận hồ sơ của người thất nghiệp ở phố Trung Kính, Tạ Quang Bửu, Phòng lao động - thương binh & xã hội quận Long Biên, huyện Sóc Sơn và huyện Hoài Đức.


    Nhưng tính đến chiều 14-1 chỉ có 67 người đến đăng ký BHTN, trong đó ba hồ sơ đã hoàn thiện.


    Trong khi đó, tại Trung tâm giới thiệu việc làm số 2 mọi công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ việc triển khai BHTN đã hoàn chỉnh. Trung tâm bố trí ba điểm nhận hồ sơ BHTN tại quận Hà Đông, huyện Hoài Đức và thị xã Sơn Tây. Phó giám đốc trung tâm Lê Văn Hùng cho biết khu vực này tập trung khá nhiều cụm, khu công nghiệp có đông công nhân như An Khánh, Yên Nghĩa, Quốc Oai... tuy nhiên trái với dự đoán, thực tế có quá ít người đến đăng ký BHTN tại trung tâm. Không khí ảm đạm tới mức đến chiều 16-1 tại trung tâm chỉ có vẻn vẹn năm người lao động đến đăng ký, trong đó chưa có hồ sơ nào được giải quyết xong.


    Giải thích về không khí ảm đạm này, cả hai trung tâm đều cho rằng do ở Hà Nội số lượng doanh nghiệp sử dụng lao động ít hơn so với các địa phương phía Nam như TP.HCM, Bình Dương nên lượng người thất nghiệp cũng ít hơn, do thời điểm cuối năm các doanh nghiệp đều thiếu người làm nên ít diễn ra tình trạng cắt giảm hay chấm dứt hợp đồng với người lao động. Còn theo ông Hùng, điều này chứng tỏ mức độ ổn định kinh tế ở khu vực phía Bắc, hoặc có thể do công tác tuyên truyền phổ biến còn yếu kém. Tuy nhiên, nhiều người lao động cho rằng nguyên nhân chính đến từ vấn đề khác.


    Theo quy định trong luật, sau 15 ngày đăng ký mất việc, người lao động phải chốt được sổ bảo hiểm xã hội để hoàn thiện hồ sơ. Tuy nhiên, nhiều người lao động cho hay nơi họ làm việc cố tình gây khó khăn trong việc chốt sổ bảo hiểm xã hội.


    Anh Nguyễn Trọng Tuấn - công nhân Công ty liên doanh xây dựng và vật liệu xây dựng Sunway - cho hay rất lo lắng vì đã 15 ngày sau khi đăng ký BHTN tại Trung tâm giới thiệu việc làm số 2 mà hiện tại công ty vẫn chưa chốt sổ bảo hiểm xã hội cho anh. “Tôi rất hoang mang vì nghe nói nếu quá hạn sẽ mất quyền hưởng BHTN và các quyền lợi khác như được cấp kinh phí học nghề, tạo việc làm mới” - anh Tuấn nói.


    Không ít người băn khoăn: theo quy định, người lao động sẽ được giới thiệu việc làm sau khi đăng ký mất việc, nhưng họ hoàn toàn có quyền từ chối việc làm nếu có lý do chính đáng. Tuy nhiên, nghị định số 127 lẫn thông tư 04 của Bộ Lao động - thương binh & xã hội đều chưa nêu rõ được thế nào là lý do chính đáng để từ chối việc làm mà các trung tâm việc làm giới thiệu.


    Anh Bùi Quang Huy, nhân viên Công ty Sumitomo-heavy Việt Nam, cho hay nhiều người cùng công ty anh bị chấm dứt hợp đồng lần này đều không rõ khái niệm “lý do chính đáng” ở đây được hiểu và áp dụng như thế nào? Liệu có ảnh hưởng tới quyền lợi hưởng BHTN hay không?


    Riêng đối với những trường hợp chậm nộp sổ bảo hiểm xã hội do đơn vị sử dụng lao động chậm trễ trong việc chốt sổ cho công nhân của mình, ông Lê Văn Hùng cho hay vì đây là loại hình mới được áp dụng, người lao động còn nhiều bỡ ngỡ nên Trung tâm giới thiệu việc làm số 2 vẫn linh hoạt hoàn thiện hồ sơ cho người lao động thất nghiệp.


    TP.HCM: Đông vui nhưng...


    Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM, trong ba tuần đầu triển khai đăng ký thất nghiệp đã có 2.500 người thất nghiệp đăng ký nộp hồ sơ, trong đó có 246 hồ sơ đủ điều kiện được đề nghị cấp BHTN. Con số này đồng nghĩa với việc cũng chừng ấy hồ sơ đã được chốt sổ bảo hiểm xã hội. “Những hồ sơ này sẽ được chuyển sang Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố để họ rà soát thủ tục và ra quyết định hưởng” - ông Đỗ Quang Khánh, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, nói.


    Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, trên địa bàn thành phố tỉ lệ các doanh nghiệp đóng BHTN cho người lao động không đồng đều. Có 65% doanh nghiệp đóng đủ, đóng chậm từ một tháng trở xuống, 25% doanh nghiệp đang nợ BHTN từ một tháng đến dưới ba tháng và hơn 10% doanh nghiệp còn lại nợ BHTN từ ba tháng trở lên. Theo ông Khánh, với ba trường hợp nói trên Bảo hiểm xã hội sẽ có ba cách giải quyết trong việc tiến hành thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội.


    Theo đó, trường hợp thứ nhất Bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết ngay việc chốt sổ cho người lao động thất nghiệp khi họ đã có đầy đủ hồ sơ. Trường hợp thứ hai, doanh nghiệp phải đứng ra cam kết trả nợ BHTN thì Bảo hiểm xã hội cũng tiến hành giải quyết chốt sổ cho người thất nghiệp. Riêng trường hợp hơn 10% doanh nghiệp nợ BHTN từ ba tháng trở lên thì sẽ không được chốt sổ bảo hiểm xã hội và người lao động thất nghiệp thuộc các doanh nghiệp này sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp.


    “Đây là thiệt thòi đáng tiếc cho người lao động thất nghiệp do lỗi từ doanh nghiệp và Bảo hiểm xã hội không thể làm khác được. Trước mắt, người lao động thuộc 10% doanh nghiệp này sẽ được chúng tôi chốt sổ tạm thời để họ hưởng trợ cấp kỳ sau, đồng thời thúc giục các doanh nghiệp nói trên phải trả nợ để giải quyết quyền lợi cho người lao động”. Ông Khánh cũng cho biết nhiều chủ doanh nghiệp bỏ trốn, đẩy người lao động thất nghiệp của họ vào nguy cơ mất trắng quyền lợi BHTN.


    Trong ba tuần vừa qua, việc chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người thất nghiệp đã gặp nhiều vướng mắc. Nhiều người dù đã đăng ký từ sớm nhưng chưa được chốt sổ là do các doanh nghiệp làm thủ tục chốt sổ không đúng quy trình, nhầm lẫn thông tin của họ. Hồ sơ được gửi lên, Bảo hiểm xã hội rà soát thấy sai phải gửi trở lại để doanh nghiệp làm lại. Việc này sẽ khiến nhiều người lao động thất nghiệp không thể nhận được trợ cấp đúng hạn.


    Ngoài việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động thất nghiệp còn được hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên, quyền lợi được hỗ trợ học nghề sẽ khó triển khai trong thời điểm hiện nay vì việc đăng ký thất nghiệp vẫn còn làm chưa xuể.


    Với tình hình như vậy, trước mắt người thất nghiệp chưa thể nhận được hỗ trợ học nghề và đào tạo nghề. Về điều này, bà Trịnh Thị Quỳnh Chị, giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM, cho biết: “Do việc tiếp nhận đăng ký thất nghiệp đã quá nhiều việc, trong khi nhân viên tiếp nhận còn mỏng nên chưa thể triển khai thêm các công việc khác. Việc phân loại nhóm ngành nghề của người thất nghiệp để giới thiệu hay hỗ trợ học nghề sẽ triển khai sau”.


    Vừa làm vừa gỡ rối


    Trong những tuần đầu triển khai đăng ký thất nghiệp đã phát sinh nhiều tình huống khiến các điểm tiếp nhận bối rối. Cụ thể như: người lao động làm việc ở chi nhánh, trong khi công ty mẹ ở TP.HCM thì sẽ đăng ký ở đâu? Người lao động có hai CMND thì giải quyết thế nào? Người lao động sử dụng CMND người khác đi làm có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Nếu họ đang hưởng chế độ thai sản (đã kết thúc hợp đồng), bị tai nạn mất sức 80%... thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?...


    Khác với Hà Nội, cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ đăng ký thất nghiệp ở TP.HCM còn thiếu, chưa đáp ứng một cách tốt nhất cho người thất nghiệp đến đăng ký: mặt bằng tiếp nhận đăng ký phải thuê mướn, thiếu máy tính, ghế chờ. Hai điểm tiếp nhận tại quận Bình Tân và tại Trung tâm Giới thiệu việc làm đã quá tải và rối. Nhiều điểm làm sai quy trình khi bắt buộc người thất nghiệp phải mang theo quá nhiều giấy tờ khi đến đăng ký, riêng các nhân viên Ngân hàng Đông Á còn buộc họ phải đăng ký thêm thủ tục làm thẻ ATM.


    Việc thiếu thốn này nếu không khắc phục sẽ dẫn đến quá tải khi thực hiện thủ tục rà soát, đối chiếu hồ sơ để ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động thất nghiệp.


    HỒ VĂN - LÂM HOÀI


    tuoitre.com.vn
     

Chia sẻ trang này

Share