Định nghĩa "năng lực" trong quá trình xây dựng từ điển năng lực... ?

Thảo luận trong 'HOẠCH ĐỊNH NHÂN SỰ' bắt đầu bởi kinhcan, 4/9/10.

  1. QUY ĐỊNH DIỄN ĐÀN
    - Đăng bài viết bắt buộc có tiền tố
    - Không đăng bài Quảng Cáo
    - Chỉ được phép đăng bài Tuyển dụng trong lĩnh vực nhân sự, hành chính và liên quan
    - 1 nick chỉ được phép đăng tối đa 2 bài tuyển dụng 1 tuần
    - Bài tuyển dụng bắt buộc phải có thời hạn, và sẽ bị xóa sau khi hết hạn 3 ngày
    ------------------------------
    Liên hệ quản trị diễn đàn: nguyenbaoanh89@gmail.com
    Dismiss Notice
  1. kinhcan

    kinhcan Guest

    Dạo này tập đoàn bên Kc đang triển khai dự án xây dựng từ điển năng lực. Nhưng vì chỉ là thành viên của tập đoàn nên góp ý sẽ không tiện lắm nên kc cứ post tạm lên đây. Nếu ai đó tình cờ đọc được thì hi vọng nó sẽ hữu ích.


    Cái thiếu đầu tiên hoặc kc không thấy trong quá trình triển khai dự án đó là: xây dựng cơ sở lý thuyết, phương pháp luận cho dự án. Vì đây là một dự án lớn cho nên nếu chỉ viết vài dòng sơ lược về mục đích và kết quả đạt được trong cái slide gửi xuống các thành viên thì sẽ không có nền móng vững chắc ( về mặt lý thuyết ) để khiến các thành viên làm theo.


    Việc đầu tiên trong quá trình xây dựng cơ sở lý thuyết đó là hiểu thế nào là "năng lực" hay "core competancy" và sự thống nhất trong toàn tập đoàn về định nghĩa đó. Dưới đây là 1 số định nghĩa về "năng lực":


    Trong Tâm lý học, năng lực là một trong những vấn đề được quan tâm nghiên cứu bởi nó có ý nghĩa thực tiễn và lý luận to lớn bởi "sự phát triển năng lực của mọi thành viên trong xã hội sẽ đảm bảo cho mọi người tự do lựa chọn một nghề nghiệp phù hợp với khả năng của cá nhân, làm cho hoạt động của cá nhân có kết quả hơn,...và cảm thấy hạnh phúc khi lao động" . Trong nền Tâm lý học Liên xô từ năm 1936 đến 1941 có rất nhiều các công trình nghiên cứu về những vấn đề năng lực, có thể điểm qua một số các công trình nổi tiếng của các tác giả như: Năng lực toán học của V.A.Crutetxki, V.N. Miaxisốp; năng lực văn học của Côvaliốp, V.P. Iaguncôva... những công trinh nghiên cứu này đưa ra được các định hướng cơ bản cả về mặt và thực tiễn cho các nghiên cứu sau này của dòng Tâm lý học Liên xô trong những nghiên cứu về năng lực.


    Trong bất cứ hoạt động nào của con người, để thực hiện có hiệu quả, con người cần phải có một số phẩm chất tâm lý cần thiết và tổ hợp những phẩm chất này được gọi là năng lực. Theo quan điểm của Tâm lý học mác xít, năng lực của con người luôn gắn liền với hoạt động của chính họ. Như chung ta đã biết, nội dung và tính chất của hoạt động được quy định bởi nội dung và tính chất của đối tượng của nó. Tuỳ thuộc vào nội dung và tính chất của đối tượng mà hoạt động đòi hỏi ở chủ thể những yêu cầu xác định. Nói một cách khác thì mỗi một hoạt động khác nhau, với tính chất và mức độ khác nhau sẽ đòi hỏi ở cá nhân những thuộc tính tâm lý (điều kiện cho hoạt động có hiệu quả) nhất định phù hợp với nó. Như vậy, khi nói đến năng lực cần phải hiểu năng lực không phải là một thuộc tính tâm lý duy nhất nào đó (ví dụ như khả năng tri giác, trí nhớ...) mà là sự tổng hợp các thuộc tính tâm lý cá nhân (sự tổng hợp này không phải phép cộng của các thuộc tính mà là sự thống nhất hữu cơ, giữa các thuộc tính tâm lý này diễn ra mối quan hệ tương tác qua lại theo một hệ thống nhất định và trong đó một thuộc tính nổi lên với tư cách chủ đạo và những thuộc tính khác giữ vai trò phụ thuộc) đáp ứng được những yêu cầu hoạt động và đảm bảo hoạt động đó đạt được kết quả mong muốn. Do đó chúng ta có thể định nghĩa năng lực như sau: "Năng lực là sự tổng hợp những thuộc tính của cá nhân con người, đáp ứng những yêu cầu của hoạt động và đảm bảo cho hoạt động đạt được những kết quả cao" ( )


    Như trên đã phân tích, năng lực không mang tính chung chung mà khi nói đến năng lực, bao giờ người ta cũng nói đến năng lực cũng thuộc về một hoạt động cụ thể nào đó như năng lực toán học của hoạt động học tập hay nghiên cứu toán học, năng lực hoạt động chính trị của hoạt động chính trị, năng lực giảng dạy của hoạt động giảng dạy... . Như vậy có thể định nghĩa năng lực nghề nghiệp như sau: "Năng lực nghề nghiệp là sự tương ứng giữa những thuộc tính tâm, sinh lý của con người với những yêu cầu do nghề nghiệp đặt ra. Nếu không có sự tương ứng này thì con người không thể theo đuổi nghề được" ( )


    ở mỗi một nghề nghiệp khác nhau sẽ có những yêu cầu cụ thể khác nhau, nhưng tựu trung lại theo tác giả Mạc Văn Trang thì năng lực nghề nghiệp được cấu thành bởi 3 thành tố sau ( ):


    + Tri thức chuyên môn


    +Kỹ năng hành nghề


    + Thái độ đối với nghề


    Năng lực nói chung và năng lực nghề nghiệp nói riêng không có sẵn như một số nhà Tâm lý học tư sản quan niệm mà nó được hình thành và phát triển qua hoạt động học tập, lao động và trong hoạt động nghề nghiệp. Chúng ta có thể khẳng định rằng học hỏi và lao động không mệt mỏi là con đường phát triển năng lực nghề nghiệp của mỗi cá nhân.


    Như vậy, vấn đề đặt ra đối với các cơ sở đào tạo đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng nơi đào tạo ra các chuyên gia trong những lĩnh vực khoa học, công nghệ thì việc tổ chức chương trình đào tạo cần căn cứ vào hệ thống năng lực nghề nghiệp mà nghề đòi hỏi, có như vậy người sinh viên sau khi ra trường mới có năng lực phù hợp đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động mặt khác nó giúp cho xã hội tránh được cho ngành giáo dục đào tạo nói riêng và toàn xã hội nói chung những lãng phí chất xám như thực tế đang diễn ra hiện nay.


    Tài liệu tham khảo


    Phạm Tất Dong, Giúp bạn chon nghề, Nxb Giáo dục, H 1989, trang 72.


    Mạc Văn Trang, Thử đề xuất một quan niệm về nhân cách trong cơ chế thị trường, Tạp chí Tâm lý học số (8/2000)


    3. A.G.Côvaliốp, Tâm lý học cá nhân, Nxb giáo dục, H. 1971, tr90


    Một cách định nghĩa khác trong từ điển trên mạng:


    Năng lực: dt (H. lực: sức) Khả năng làm việc tốt, nhờ có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn.


    “Năng lực” theo Từ điển tiếng Việt là khả năng đủ để làm một công việc nào đó hay “Năng lực” là những điều kiện được tạo ra hoặc vốn có để thực hiện một hoạt động nào đó.
     
    Chỉnh sửa cuối: 4/9/10
  2. kinhcan

    kinhcan Guest

    Một tham khảo nữa của tác giả Trần Đại Bằng về năng lực tài chính:


    “Năng lực tài chính của NHTM” phải hiểu khác với “Năng lực tài chính của 1 doanh nghiệp (DN)”. Bởi vì: Năng lực tài chính của 1 DN là nguồn lực tài chính của bản thân DN, là khả năng tạo tiền, tổ chức lưu chuyển tiền hợp lý, đảm bảo khả năng thanh toán thể hiện ở quy mô vốn, chất lượng tài sản và khả năng sinh lời… đủ để đảm bảo và duy trì hoạt động kinh doanh được tiến hành bình thường. Còn Năng lực tài chính của 1 NHTM là khả năng tạo lập nguồn vốn và sử dụng vốn phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của ngân hàng, thể hiện ở quy mô vốn tự có, chất lượng tài sản, chất lượng nguồn vốn, khả năng sinh lời và khả năng đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh.


    Tiêu chí đánh giá năng lực tài chính.


    Năng lực tài chính được đánh giá dựa trên các yếu tố định lượng và các yếu tố định tính.


    + Các yếu tố định lượng thể hiện nguồn lực tài chính hiện có, bao gồm: quy mô vốn, chất lượng tài sản, khả năng thanh toán và khả năng sinh lời…


    + Các yếu tố định tính thể hiện khả năng khai thác, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính được thể hiện qua trình độ tổ chức, trình độ quản lý, trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực…


    “Ngân hàng thương mại” là một loại hình DN đặc biệt vì hàng hoá sử dụng trong kinh doanh là tiền tệ. Ngân hàng thương mại là một tổ chức tài chính trung gian, hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ và dịch vụ. Hoạt động chủ yếu và thường xuyên của Ngân hàng thương mại là nhận tiền gửi của khách hàng (Huy động vốn) với trách nhiệm hoàn trả, sử dụng số tiền đó để cho vay, thực hiện nhiệm vụ chiết khấu và cung ứng các dịch vụ thanh toán (sử dụng vốn).


    + Huy động vốn là quá trình NHTM nhận tiền gửi của tổ chức và cá nhân dưới các hình thức nhận tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm, phát hành giấy tờ có giá… và tiền vay của NHNN, các tổ chức tín dụng khác.


    + Sử dụng vốn của NHTM chủ yếu từ hoạt động tín dụng và đầu tư, tín dụng là quá trình NHTM cho các tổ chức và cá nhân vay vốn để phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đầu tư là quá trình các NHTM dùng vốn tự có và các quỹ của mình mua đi bán lại các giấy tờ có giá (tín phiếu, trái phiếu của Chính phủ, NHNN), chứng khoán hoặc góp vốn, liên doanh liên kết, mua cổ phần…


    Nội dung của chỉ tiêu năng lực tài chính của NHTM


    Năng lực tài chính của 1 NHTM thể hiện ở quy mô vốn, chất lượng tài sản có, khả năng thanh toán và khả năng sinh lời, khả năng tồn tại và phát triển một cách an toàn không để xảy ra đổ vỡ hay phá sản.


    + Quy mô Vốn tự có: Vốn tự có cung cấp năng lực tài chính cho quá trình tăng trưởng, mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động cũng như cho sự phát triển của các sản phẩm dịch vụ mới của NHTM. Vốn tự có được hình thành từ nguồn: Vốn điều lệ (Vốn tự có cấp 1 và vốn tự có cấp 2) – Các quỹ dự trữ bổ sung các tài sản nợ khác như lợi nhuận chưa chia, giá trị tăng thêm do đánh giá lại tài sản, trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi… Vốn tự có có chức năng bảo vệ NHTM, giúp NHTM chống lại rủi ro phá sản, bù đắp những thua lỗ về tài chính và nghiệp vụ; Bảo vệ người gửi tiền khi gặp rủi ro trong hoạt động kinh doanh: Nâng cao uy tín của NHTM với khách hàng, các nhà đầu tư. Vì vậy có thể khẳng định: Vốn là yếu tố quan trọng tạo đối với NHTM, vì vốn tự có của NHTM đã nói nên sức mạnh và khả năng cạnh tranh của NHTM trên thị trường trong nước. Đồng thời, vốn tự có đó cũng là cơ sở để NHTM mở rộng hoạt động tới các thị trường tài chính khu vực và quốc tế.


    + Chất lượng tài sản: Tài sản của 1 NHTM thể hiện ở bên tài sản có trên Bảng cân đối kế toán của NHTM đó. Quy mô, cơ cấu và chất lượng tài sản có sẽ quyết định đến sự tồn tại và phát triển của NHTM mà tài sản có bao gồm tài sản sinh lời (Chiếm từ 80-90% tổng tài sản có) và tài sản không sinh lời (chiếm từ 10-20% tổng tài sản có). Tài sản sinh lời gồm các khoản cho vay, cho thuê tài chính và các khoản đầu tư vào giấy tờ có giá chứng khoán, góp vốn liên doanh liên kết… Chất lượng tài sản của NHTM là 1 chỉ tiêu tổng hợp nói lên khả năng bền vững về tài chính, năng lực quản lý của một tổ chức tín dụng. Hầu hết rủi ro trong kinh doanh tiền tệ đều tập trung ở tài sản có.


    + Khả năng sinh lời của NHTM gắn liền với chất lượng tài sản và hiệu quả sử dụng tài sản của NHTM. Nâng cao chất lượng tài sản, chất lượng nguồn vốn cũng chính là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM. Khả năng sinh lời là chỉ tiêu tổng hợp đánh giá hiệu quả kinh doanh và mức độ phát triển của 1 NHTM. Để đánh giá khả năng sinh lời của NHTM – người ta thường sử dụng các chỉ tiêu lợi nhuận ròng trên tài sản có (ROA); chỉ tiêu lợi nhuận ròng trên vốn tự có (ROE) hoặc chỉ tiêu lợi nhuận ròng trên doanh thu.


    + Bảo đảm an toán vốn trong hoạt động kinh doanh NHTM: Đảm bảo khả năng thanh toán là khả năng sẵn sàng chi trả, thanh toán cho khách hàng của NHTM và khả năng bù đắp những tổn thất khi xảy ra rủi ro trong hoạt động kinh doanh.


    Tóm lại: Một NHTM có năng lực tài chính tốt phải là NHTM luôn duy trì được hoạt động bình thường và phát triển 1 cách ổn định, bền vững trong mọi điều kiện về kinh tế, chính trị, xã hội ở trong nước và trên thế giới. NHTM có khả năng cung cấp tín dụng có hiệu quả và các dịch vụ tài chính cho nền kinh tế. NHTM luôn đáp ứng đầy đủ yêu cầu khách hàng về vốn và các dịch vụ ngân hàng phù hợp với quá trình phát triển kinh tế, xã hội trong nước và thế giới. NHTM còn phải bảo đảm được sự tồn tại và phát triển của mình một cách an toàn, không xảy ra những đổ vỡ hay phá sản.


    Năng lực tài chính của một NHTM đóng vai trò vô cùng quan trọng. Năng lực tài chính của 1 NHTM càng được đảm bảo thì mức độ rủi ro trong hoạt động ngân hàng càng thấp và năng lực cạnh tranh của NHTM trên thị trường càng cao. Do vậy, Năng lực tài chính của NHTM phải không ngừng được nâng cao và hoàn thiện và là điều kiện không thể thiếu được bất cứ 1 NHTM nào.


    Trần Đại Bằng
     
  3. kinhcan

    kinhcan Guest

    Tiếp theo là tham khảo về năng lực thông tin của tác giả ThS. Nghiêm Xuân Huy


    Khái niệm về Năng lực thông tin


    Thật ra, khái niệm về năng lực thông tin (Information literacy) đã được đề cập đến từ những năm 70 của thế kỷ trước. Sự xuất hiện của khái niệm này gắn liền với xu thế bùng nổ thông tin tại thời điểm đó. Các nhà khoa học, mà chủ yếu là các nhà giáo dục, các chuyên gia thông tin – thư viện, hết sức quan tâm đến một lĩnh vực tri thức giúp con người làm chủ thế giới thông tin, làm chủ nguồn tri thức của nhân loại: đó chính là năng lực thông tin. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh thế giới thông tin ngày càng trở nên phức tạp, nhất là hệ quả của sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của Internet.


    Theo Hiệp hội các thư viện Đại học và thư viên nghiên cứu Mỹ (ACRL, 1989), năng lực thông tin là sự hiểu biết và một tập hợp các khả năng cho phép các cá nhân có thể “nhận biết thời điểm cần thông tin và có thể định vị, thẩm định và sử dụng thông tin cần thiết một cách hiệu quả”. McKie, trong tài liệu của Cheek và các tác giả khác (1995, tr. 2) đã khẳng định “năng lực thông tin là khả năng nhận biết nhu cầu thông tin, tìm kiếm, tổ chức, thẩm định và sử dụng thông tin trong việc ra quyết định một cách hiệu quả, cũng như áp dụng những kỹ năng này vào việc tự học suốt đời”


    Cần hiểu rõ rằng năng lực thông tin không chỉ đơn thuần là những kỹ năng cần thiết để tìm kiếm thông tin một cách hiệu quả, nó bao gồm cả những kiến thức về các thể chế xã hội và các quyền lợi do pháp luật quy định liên quan đến việc truy cập các nguồn thông tin. Đây có lẽ là mảng kiến thức cần phải được đặc biệt nhấn mạnh trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi mà vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ đang trở thành vấn đề toàn cầu.


    Ngoài ra, năng lực thông tin gắn liền với khả năng nghiên cứu độc lập và học tập suốt đời. Có nghĩa là, người có năng lực thông tin là người có khả năng tiếp cận và áp dụng tri thức một cách tích cực, chủ động, hiệu quả trong từng phạm vi hoạt động cụ thể của mình. Theo Hiệp hội Các thư viện chuyên ngành và các trường đại học Hoa Kỳ (ACRL, 1989), người có năng lực thông tin là người “đã học được cách thức để học. Họ biết cách học bởi họ nắm được phương thức tổ chức tri thức, tìm kiếm thông tin và sử dụng thông tin, do đó những người khác có thể học tập được từ họ. Họ là những người được đã chuẩn bị cho khả năng học tập suốt đời, bởi lẽ họ luôn tìm được thông tin cần thiết cho bất kỳ nhiệm vụ hoặc quyết định nào một cách chủ động."


    Cả bài chỉ có đoạn này để tham khảo trong quá trình xây dựng từ điển năng lực. Các bạn muốn xem cả bài vui lòng click vào link dưới đây:


    http://www.vietnamlib.net/chuyen-de-vietna...en-cuu-khoa-hoc
     
  4. kinhcan

    kinhcan Guest

    Tiếp là khái niệm năng lực tự học :


    Năng lực tự học được thể hiện qua việc chủ thể tự xác định đúng đắn động cơ học tập cho mình, có khả năng tự quản lý việc học của mình, có thái độ tích cực trong các hoạt động để có thể tự làm việc, điều chỉnh hoạt động học tập và đánh giá kết quả học tập của chính mình để có thể độc lập làm việc và làm việc hợp tác với người khác (Trinh & Rijlaarsdam, 2003).


    TS. TRỊNH QUỐC LẬP


    http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/...p-ging-dy-vn-hc


    Năng lực lõi theo định nghĩa của Michael Porter trong Marketing:


    Năng lực lõi, có thể định nghĩa là khả năng làm tốt nhất một việc nàođó, khả năng kinh doanh có hiệu quả nhất trong một lĩnh vực hoặc theo một phương thức nào đó. Nói một cách nôm na, có thể diễn đạt năng lực lõi như là sở trường, là thế mạnh của doanh nghiệp. Nó bao gồm cả phần “mềm” lẫn phần “cứng”, nghĩa là cả những nguồn lực vật chất lẫn nguồn lực chất xám, ở đây không thể hiểu bằng số lượng hay bằng cấp của lực lượng nhân sự, mà phải hiểu là khả năng, kỹ năng của những nhân sự đó.


    http://www.khoadaotao.vn/TinTucDetails.asp...amp;ParentID=16


    Như vậy theo những định nghĩa ở trên, chúng ta có thể thấy nhiều cái nhìn khác nhau về "năng lực". Đó là cái nhìn của tâm lý, tài chính, ngôn ngữ, marketing, đào tạo, triết học .... Sau khi bàn, thống nhất thế nào là "năng lực", bước tiếp theo đó là xây dựng về mặt lý thuyết: năng lực tập đoàn của kc là gì ? Và năng lực tập đoàn bao gồm những gì ?


    Để trả lời câu hỏi này, theo kc tốt nhất nên tự ví tập đoàn như là 1 cá thể sống - 1 con người cụ thể. Vậy con người cần phải có những năng lực gì để tồn tại và phát triển ? Các thành viên của dự án xây dựng tự điển năng lực sẽ phải đi tìm câu trả lời đó.Và người dự án cần phải khảo sát để tìm ra câu trả lời này không phải là giáo sư, tiến sỹ ở đâu đó mà chính là chủ tịch tập đoàn cùng với ban lãnh đạo. Chính họ sẽ quyết định năng lực sống, tồn tại của tập đoàn là gì ?


    Theo bạn ( người đọc các bài viết này của kc và gật gù không biết kc đang nói nhảm cái gì ) thì: con người cần phải có những năng lực gì để 1. tồn tại và 2. phát triển ?


    H thì kc đi chợp mắt 1 chút, gà nhà hàng xóm gáy rồi. Trưa nay kc đi ăn cơm với 1 thành viên của dự án. Mong rằng sẽ hóng hớt được ít nhiều kiến thức lẫn thông tin.

    Khung_xay_dung_nang_luc.PDF
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 4/9/10
  5. Tiên Phong

    Tiên Phong New Member

    Tham gia ngày:
    29/9/10
    Bài viết:
    14
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Giới tính:
    Nam
    Rất cám ơn về bài viết của KC.


    Mình cũng đang tìm câu trả lời cho câu hỏi cuối cùng: năng lực của 1 đơn vị, tổ chức, phòng ban là gì?


    Nếu 1 đơn vị, tổ chức có năng lực "kém" thì năng lực của con người trong tổ chức đó đang ở đâu. :)


    Mong mọi người tiếp tục đóng góp ý kiến.


    Cũng mong KC cho biết tình hình xây dựng từ điển năng lực của Tập đoàn bạn bây giờ đã đạt được kết quả gì?


    Cám ơn!
     
  6. gdns

    gdns New Member

    Tham gia ngày:
    27/5/09
    Bài viết:
    555
    Đã được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Giới tính:
    Nam
    Nơi ở:
    Hà Nội
    Theo mình hiểu bên Tập đoàn KC đang xây dựng từ điển năng lực cho các chức danh công việc. Nhưng mình thấy việc này rất khó cân đo đong đếm được vì mỗi một chức danh sẽ phải có đến 3-5 mức năng lực khác nhau, và khoảng cách mỗi năng lực đó sẽ không có sự rõ ràng... và phụ thuộc nhiều vào chủ quan của người đánh giá...
     

Chia sẻ trang này

Share